Thêm vào giỏ hàng thành công!

Khi Cún Sợ Phải Ở Nhà Một Mình

Ngày 25, Tháng 04, Năm 2014
Chuyên Mục: 
Từ khóa bài viết:  chó, sợ hãi, một mình, xa cách, lo lắng

Copywriter
blue point
blue point
blue point
blue point
blue point

Những chú chó hay lo lắng bị bỏ rơi sẽ không thể chịu đựng được xa cách với người chủ. Chúng thường xuyên có những biểu hiện phản ứng khi bị bỏ lại một mình. Chính vì vậy, để giúp cún yêu luôn tự tin và hạnh phúc hơn, điều đầu tiên bạn nên hướng tới là tạo dựng một mối quan hệ chủ-chó trên cơ sở độc lập với nhau.


Lý do nào khiến cún lo lắng bị bỏ rơi?

Có nhiều lý do giải thích tại sao cún cưng lại cư xử có vấn đề khi ở một mình. Chẳng hạn nó cảm thấy chán nản, hoặc đơn giản là những chú chó con còn chưa biết rằng không được sủa, đào bới hay nhai vật dụng trong nhà. Một số khác thì lại không thể chịu được khi phải rời xa chủ và trở nên sợ hãi. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một số lời khuyên hữu ích để giúp đỡ cún cưng của mình thoát khỏi nỗi lo lắng, bất an khi ở lại một mình.



Những chuyện gì có thể xảy ra?

Tất cả các chú cún đều không nên bị bỏ lại một mình trong một khoảng thời gian dài. Với những chú chó thường hay lo lắng bị bỏ rơi, bạn càng không nên để chúng một mình dù chỉ là trong vài phút. Bởi lẽ, rất có thể một vài con sẽ phá phách, số khác thì làm ồn, tệ hơn, có con lại trở nên điên cuồng và gây náo loạn trong nhà.


Những chú chó nào thường thấy bất an khi ở một mình?

Chó cứu hộ dường như dễ gặp nỗi sợ hãi khi phải xa cách người chủ hơn, nhất là trong những tuần đầu chúng chuyển đến môi trường mới. Hoặc có thể là những chú cún với vẻ ngoài nhút nhát, nhạy cảm và ngoan ngoãn. Những chú chó như vậy thường được khen ngợi có “tính khí tuyệt vời” và dễ được mọi người thấy yêu thương trìu mến. Chúng có xu hướng nhanh chóng bám chặt lấy người chủ của mình như hình với bóng.

Nỗi lo lắng bị bỏ rơi càng dễ xảy ra với những chú cún từng chuyển nhà khi dưới một tuổi và đặc biệt là những chú chó phải qua tay chủ quá nhiều lần.


Làm thế nào để cún bớt sợ hãi ở lại một mình?

Hãy dạy chó yêu làm quen với sự vắng mặt của bạn trong thời gian ngắn và theo kế hoạch. Để cún lại trong căn phòng chúng vẫn thường ở, đóng cửa rồi đi ra chỗ khác. Sau một lúc (dưới năm phút), quay trở lại và bỏ qua màn chào hỏi với cún. Bạn hãy lặp lại điều này nhiều lần, với cùng cách thức và thời điểm trong ngày. Từng bước, hãy tăng dần khoảng thời gian để cún cưng ở lại một mình. Nếu cún của bạn tỏ ra khó chịu, bắt đầu sủa, cào cửa đòi ra, hoặc khi bạn quay lại thấy nó đang nhai bất cứ món đồ gì, thì lần tới hãy để cún một mình trong khoảng thời gian ngắn hơn. Ngoài ra, quá trình luyện tập của cún cũng nên điều chỉnh chậm lại.

Tiếp tục như vậy cho đến khi cún có thể chịu đựng được sự vắng mặt của bạn trong vòng 30 phút mà không có bất kỳ một vấn đề gì. Rồi sau đó, thử bắt đầu để cún lại một mình trong phòng vào bất kỳ lúc nào và đi làm những công việc hàng ngày của bạn như mặc quần áo hay lấy chìa khóa.

- Trước khi thực hiện kế hoạch để cún lại một mình trong phòng, hãy cho cún yêu của bạn vận động một chút, có thể dẫn chúng đi bộ hoặc chơi trò chơi. Hoạt động này sẽ mang đến cho chó cưng khoảng thời gian để cảm thấy bình tĩnh hơn.

- Khi bạn ra ngoài, đừng chào tạm biệt cún – cứ thế đi thôi. Nó sẽ làm giảm cảm giác khác biệt của việc bạn có mặt hay không có mặt ở đó.

- Trước khi bạn chuẩn bị rời đi một lát, hãy cho chó yêu của mình ăn một bữa phụ để nó cảm thấy dễ chịu và buồn ngủ hơn.

- Căn phòng bạn để cún yêu của mình ở lại nên được lựa chọn cẩn thận để giảm thiếu tối đa thiệt hại. Tốt nhất là tránh xa những chỗ có nhiều dây điện hoặc đồ đạc quý giá. Chỗ đó cũng nên tính toán làm sao để nếu cún có sủa thì cũng ít làm phiền tới hàng xóm. Điều quan trọng mà bạn nên lưu ý là không nên bỏ chó cưng của mình ngoài vườn mà hãy để trong nhà vì chúng sẽ cảm thấy an toàn hơn.

- Có thể để cún ở một mình với một vài đồ chơi để gặm – một món đồ làm bằng da với một chút món ăn ưa thích của cún được buộc chặt giữa các lớp có thể thu hút sự chú ý và chúng sẽ bị phân tâm trong vài phút đầu tiên bạn rời đi. Vốn dĩ khoảng thời gian đầu là lúc cún cảm thấy căng thẳng nhất, vì vậy, điều này sẽ giúp chúng vượt qua nỗi lo lắng và dần quen với việc một mình.

- Hãy để lại một chiếc áo cũ của bạn trước khi rời đi. Việc bạn đặt chiếc áo có mùi của mình lại trong ổ của cún phần nào cũng giúp đỡ chúng. Để chiếc áo luôn lưu lại mùi của bạn, hãy mặc lại nó trước mỗi lần ra khỏi nhà; hoặc không, hãy bỏ chúng vào trong giỏ đồ chuẩn bị đem giặt, bạn sẽ không phải mất công mặc lại nữa.

- Một số chú chó dường như thấy an tâm hơn khi nghe những âm thanh quen thuộc của một giai điệu phát trên radio. Hoặc bạn có thể ghi lại cuộc trò chuyện của gia đình dài khoảng 30 phút và mở cho cún nghe khi bạn rời đi.

- Khi bạn trở lại, việc chào hỏi nên ngắn gọn và đừng tỏ ra quá phấn khích. Dù vì bất cứ lý do gì bạn cũng không nên giận dữ, la mắng hay trừng phạt chú chó của mình. Nếu có vấn đề xảy ra, hãy xem xét lại trách nhiệm của mình và nếu cần, hãy nhờ ai đó giúp đỡ.



Cân nhắc một phương pháp chữa bệnh dài hạn hơn

Để đối mặt với việc bạn ra khỏi nhà, đầu tiên chúng phải cảm thấy thoải mái và yên tâm dù không có bạn bên cạnh. Những mẹo sau đây có thể giúp bạn tạo lập mối quan hệ độc lập hơn giữa bạn và cún. Đồng thời, nó cũng giúp làm giảm tình trạng cún quá phụ thuộc vào bạn – dẫn đến nỗi lo lắng khi phải ở một mình.

- Hãy tảng lờ khi cún yêu nũng nịu thu hút sự chú ý. Không trò chuyện nhưng cũng đừng trách mắng cún lúc đó, cũng đừng chạm vào hay kể cả là nhìn nó. Đến khi nào bạn muốn thể hiện sự quan tâm với chó cưng của mình, hãy gọi nó đến bên cạnh và thoải mái âu yếm, chơi đùa cùng cún bao lâu tùy ý. Bạn làm như vậy thường xuyên thì cún sẽ hiểu ra rằng nếu nó biết giữ yên lặng và cố gắng hành xử độc lập thì bạn sẽ để ý đến nó nhiều hơn.

- Hãy quyết định khoảng thời gian mà bạn sẽ vờ ngó lơ cún cưng cũng như khi nào thì âu yếm và chơi cùng nó. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra một mối quan hệ độc lập hơn là việc bạn cứ thường xuyên xoa đầu, gãi cho cún hay nói chuyện với nó bất cứ khi bạn loanh quanh trong nhà.

- Không nên để chú chó đi theo bạn từ phòng này sang phòng khác. Nếu đón một chú chó trưởng thành về nhà, hãy nhớ huấn luyện điều này ngay từ ngày đầu tiên. Đừng quên đóng cửa lại khi bạn đi sang một căn phòng khác và để chó cưng ở lại một mình trong vài phút cho đến khi bạn quay về. Lúc trở lại, hãy cứ điềm tĩnh và tỏ ra biết tới sự hiện diện của cún trong phòng, nhưng đừng bộc lộ quá nồng nhiệt.

- Giúp cún nhận biết bạn sắp rời khỏi bằng những hành động đơn giản như tìm chìa khóa xe hoặc mặc áo khoác.

- Với một chú chó vừa mua lại, trước tiên hãy chuẩn bị một chỗ ngủ qua đêm trong bếp chứ đừng đưa nó vào phòng ngủ của bạn ngay. Như vậy sẽ tránh được việc cún yêu ở cạnh bạn liên tục trong một thời gian dài.

- Xây dựng niềm tin vững chắc cho cún yêu của bạn bằng những bài luyện tập có thưởng để khích lệ chúng.


Các triệu chứng của việc cún lo lắng bị bỏ rơi

- Chó cưng cứ đi theo bạn từ phòng này sang phòng khác, không muốn rời mắt khỏi bạn dù chỉ trong chốc lát.

- Chú cún thể hiện nó có sự quan tâm đặc biệt tới chỉ một thành viên trong gia đình và ngó lơ tất cả những người còn lại.

- Bộc lộ hành vi có vấn đề ngay sau khi bạn rời đi. 15 phút đầu luôn là tồi tệ nhất và trong thời gian đó chú chó tỏ ra cực kỳ khó chịu. Tất cả các dấu hiệu sinh lý của sự sợ hãi có thể biểu hiện như tăng nhịp tim, nhịp thở, thở hổn hển, chảy dãi, hiếu động quá mức và đôi khi còn đòi đi vệ sinh. Chú cún luôn cố gắng để được đi theo bạn. Chúng sẽ cào cửa, cào thảm, gặm khung cửa, hoặc nhảy lên để ngó ra ngoài qua cửa sổ. Ngoài ra, cún yêu của bạn có thể sẽ sủa, rên rỉ hoặc hú nhằm cố gắng thuyết phục bạn trở lại.

- Sau khoảng thời gian “điên cuồng” này, chó cưng của bạn có thể cảm thấy bình tĩnh lại. Chúng bắt đầu nhai một cái gì đó mà mới chốc lát trước đó bạn đã chạm vào bởi chúng vẫn còn vương vấn mùi của bạn. Các chú chó có thể nhai và xé những món đồ vật đó thành nhiều mảnh nhỏ rồi lăn lộn và cuộn tròn giữa các mảnh vụn đó. Điều này dường như khiến cún yêu của bạn cảm giác như có một lớp mùi hương của bạn bao bọc xung quanh và bảo vệ nó.



Tại sao hình phạt sẽ khiến cho mọi chuyện càng tồi tệ hơn?

Thử tưởng tượng sẽ thế nào khi một người trở về nhà, thấy đồ đạc lộn xộn, thậm chí bị phá hỏng hoặc nghe hàng xóm phàn nàn bị làm phiền và tất cả đều là lỗi của cún. Với tình hình này, rất dễ thông cảm nếu người đó tức giận và la mắng. Cún chỉ nhận ra sự bực bội của chủ, khi đó chúng sẽ có những biểu hiện cho thấy chúng muốn xoa dịu tâm trạng người chủ hoặc hy vọng chủ sẽ nương tay trừng phạt. Thật không may, dáng điệu phục tùng của cún lúc đó (tai cụp, đầu cúi thấp, nằm bẹp, đuôi rũ xuống giữa hai chân) thường bị người chủ hiểu lầm là biểu hiện của sự hối lỗi. Họ thường nói: “Đó, nó cũng biết mình làm sai đó”.

Bất kỳ hình phạt nào được đưa ra sau khi mọi chuyện đã kết thúc thường không mấy hiệu quả. Các chú chó chỉ có thể nhận ra việc bị trừng phạt là vì hành động mình vừa làm nếu bạn phạt chúng ngay lúc đó. Do vậy, cún sẽ không thể liên hệ chuyện bạn trách mắng chúng với những việc chúng làm trước khi bạn về nhà kể cả bạn có dẫn cún tới nơi mà chúng đã phá phách trước đó. Không hẳn là chó cưng của bạn không nhớ chúng đã từng làm gì. Có lẽ, chúng cho rằng sẽ là hợp lý nếu chúng bị phạt do lỗi lầm mình vừa gây ra, chứ không phải do những việc đã làm từ cả tiếng đồng hồ trước.

Hình phạt ở thời điểm đó không chỉ không mang lại hiệu quả, thậm chí có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Lúc này, ngoài lo lắng bị bỏ lại ở nhà một mình, cún yêu của bạn còn sợ người chủ của mình quay lại.


Một vài tư vấn khác

Nếu bạn muốn nuôi thêm chó mèo chỉ để cho đông vui thì hãy cân nhắc lại nhé! Càng không nên vì vấn đề với chú chó hiện tại của mình mà quyết định đón thêm một con vật khác. Bởi lẽ thêm một thú cưng chưa chắc đã giải quyết được gì mà còn có thể khiến chú cún đang ở cùng bạn cảm thấy tủi thân hơn.

Nếu cún yêu của bạn có biểu hiện lo lắng trầm trọng khi phải rời xa bạn hoặc các vấn đề về hành vi khác, hãy liên hệ sớm với bác sĩ thú y hoặc người nuôi dạy chó để nhận được những hỗ trợ kịp thời nhé!


disclamer Thông báo


Nguồn tham khảo: 

Top