Thêm vào giỏ hàng thành công!

Hỏi Đáp Về Vệ Sinh Cho Thú Cưng- P3

Ngày 12, Tháng 04, Năm 2014
Chuyên Mục: 
Từ khóa bài viết:  chải lông, thú cưng, tắm rửa

Copywriter
blue point
blue point
blue point
blue point
blue point

Có cách nào giảm bớt rụng lông ở thú cưng không?

Rụng lông là một quá trình bình thường, nhưng số lượng và tần suất rụng lông thường phụ thuộc vào sức khỏe và giống vật nuôi. Tuy bạn không thể hoàn toàn ngăn chặn quá trình rụng lông, nhưng bạn có thể làm giảm đáng kể lượng lông rụng dính trên đồ nội thất nhà mình bằng cách chải lông cho thú cưng thường xuyên.

Rụng lông quá nhiều cũng có thể được khắc phục bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Các nhà sản xuất thức ăn vật nuôi có uy tín đã nghiên cứu để đưa lượng chất dinh dưỡng cần thiết vào trong thức ăn, vì thế chúng ta không cần cung cấp thêm các chất bổ sung cho thú cưng. Tuy nhiên, nếu thú cưng bị dị ứng hoặc nhạy cảm với một số chất, cần thử nhiều thương hiệu khác nhau để tìm ra thức ăn phù hợp nhất cho chúng.

Tôi nên chải lông cho mèo bao lâu một lần?

Mèo có khả năng tự vệ sinh tuyệt vời. Thế nhưng chúng vẫn cần được chúng ta giúp đỡ ở những nơi khó với tới, nhất là khi mèo của bạn đã nhiều tuổi và không còn kĩ tính như xưa. Với những loại mèo có bộ lông ngắn, nên chải lông mỗi tuần một lần. Hãy dùng bàn chải kim loại, chải từ đầu đến đuôi mèo theo chiều lông mọc.

Nếu mèo của bạn có bộ lông dài, bạn cần phải chải lông cho chúng vài ngày một lần. Bắt đầu chải từ bụng và bốn chân, nhẹ nhàng gỡ những phần rối, sau đó hướng dần lên trên để loại bỏ lông rụng và các vụn bẩn.

Tôi nên chải lông cho cún cưng bao lâu một lần?

Những loại chó có bộ lông ngắn và mịn như Chihuahua, Boxer hoặc chó săn Basset... chỉ cần chải lông một tuần một lần

Những loại có lông ngắn dày, dễ bị rối như Retriever cần chải lông vài lần một tuần.

Nếu chó của bạn sở hữu một bộ lông dài rủ sang trọng như giống Yorkshire terrier, cần chú ý loại bỏ những đoạn lông rối hàng ngày. Còn với những chú chó có bộ lông đặc biệt dài như giống chó Collie hoặc chó săn Afghan, hãy chải lông cho chúng hàng ngày kết hợp với tỉa ngắn lông quanh cổ và bàn chân.

Tôi cần phải làm gì để giữ mèo nhà tôi ngồi yên để tôi chải lông cho chúng?

Cho mèo làm quen với việc chải lông ngay từ khi chúng còn nhỏ là cách tốt nhất để mèo thả lỏng trong khi được chải chuốt. Nếu mèo của bạn đã trưởng thành, nên từng bước một dạy cho chúng làm quen với bàn chải. Hãy tìm một căn phòng yên tĩnh, không có bất cứ vật nuôi nào khác để mèo không bị phân tâm. Đặt chúng ngồi vào lòng bạn, sau đó nhẹ nhàng luân phiên giữa vuốt ve bằng tay và dùng bàn chải để chải lông. Thưởng cho mèo một món ngon để chúng nhớ việc chải lông là dễ chịu. Bắt đầu bằng những lần chải lông ngắn và từ từ kéo dài thời gian để mèo dần quen với việc được chải lông.

Nếu mèo của bạn thuộc kiểu không thích được đặt vào lòng cũng như không chịu được việc bị ôm ấp, hãy thử chải lông một vài lần khi mèo đang đứng ăn. Nếu không bị bắt ngồi yên một chỗ, chúng có thể sẽ chịu để cho chúng ta chải chuốt một chút đấy.

Thú cưng của tôi có bộ lông dài và thường xuyên bị rối. Làm thế nào để loại bỏ vấn đề này?

Dùng bàn chải lông chuyên dụng, nhẹ nhàng gỡ những phần lông rối, sau đó chải lại bằng lược. Nếu chỗ rối quá khó gỡ, bạn nên cắt bỏ, cần cẩn thận tránh không cắt quá sát da. Thú cưng có bộ lông dài cần được chải lông thường xuyên để gỡ bỏ những chỗ bết rối. Vì vậy, thiết lập thói quen chải lông hàng ngày cho chúng là một ý kiến hay.

Thú cưng của tôi cực kì ghét tắm rửa hoặc cắt móng. Làm sao để công việc vệ sinh trở nên nhẹ nhàng với chúng?

Cần giữ bầu không khí vui vẻ trong khi vệ sinh thú cưng. Nên lên lịch vệ sinh khi thú cưng của bạn đang thư giãn, đặc biệt chú ý đến việc này nếu thú cưng của bạn thuộc loại dễ bị kích động. Vào những lần đầu, chỉ cần vệ sinh ngắn trong vòng từ 5 đến 10 phút. Dần dần kéo dài thời gian cho đến khi việc vệ sinh đã trở thành thói quen của thú cưng. Bạn có thể giúp thú cưng cảm thấy thoải mái bằng cách vuốt ve cơ thể chúng, nhất là những khu vực nhạy cảm như tai, đuôi, bụng, lưng và bốn chân. Một trong những bí kíp quan trọng nhất của chúng tôi đó là: Hãy khen ngợi và thưởng cho thú cưng sau mỗi lần làm vệ sinh.

Khi nào cần phải gọi cho bác sĩ thú y?

Nếu thú cưng bị ghẻ, có bọ chét, hoặc lông rối bện vào nhau tới nỗi ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng di chuyển của chúng, đã đến lúc nhờ cậy đến bác sĩ thú y. Một trường hợp nữa cũng cần phải liên hệ với họ, đó là lúc thú cưng trở nên hung dữ khi bạn hoặc nhân viên vệ sinh tắm cho chúng.

Bạn cần để ý kĩ những dấu hiệu cho thấy thú cưng đang sợ hãi như thở hổn hển, chảy nước dãi, run rẩy, rên rỉ, lạnh cóng, co rúm mình mẩy, cụp đuôi, gầm gừ hoặc cắn chủ nuôi. Ngay cả khi chúng ta đã kiên nhẫn và dành thời gian để chúng thích nghi từ từ, một số loài động vật vẫn sợ tắm rửa và cắt móng. Nếu thú cưng của bạn rơi vào trường hợp này, đừng ép buộc chúng phải phục tùng. Hãy thử để bác sĩ thú y hoặc nhân viên chuyên nghiệp vệ sinh cho chúng. Nếu vẫn không được, bạn nên đặt một cuộc hẹn với chuyên gia hành vi động vật hoặc chuyên gia huấn luyện chó để giải quyết vấn đề này.


disclamer Thông báo


Nguồn tham khảo: 
ASPCA, Grooming FAQ

Top