Thêm vào giỏ hàng thành công!

Cách Chăm Sóc Thú Cưng Sắp Qua Đời

Ngày 28, Tháng 05, Năm 2014
Chuyên Mục: 
Từ khóa bài viết:  thú cưng, tạm biệt, qua đời, chăm sóc

Copywriter
blue point
blue point
blue point
blue point
blue point

Khi nuôi thú cưng, điều gì là khó khăn nhất? Đó không phải là chăm sóc cho thú cưng từ lúc chúng mới sinh ra, còn bé bỏng và yếu ớt vô cùng. Cũng không phải là lúc bạn bực mình vì thú cưng không nghe lời, nghịch ngợm, phá phách hay phải dọn dẹp vệ sinh cho chúng. Càng không phải là khi bạn phải vất vả chăm sóc chúng lúc chúng bị bệnh. Một câu trả lời rất đơn giản mà chắc không chủ nuôi nào có thể phủ nhận, khó khăn nhất là lúc bạn không còn có thể được chăm sóc cho thú cưng nữa - chính là giây phút bạn biết rằng chúng sắp qua đời.

Dù có đau lòng và không nỡ thế nào, thì đến một lúc nào đó, bạn cũng phải chia tay với người bạn trung thành của mình, đơn giản vì Sinh – Lão - Bệnh - Tử đã là quy luật của cuộc sống, dù là với con người chúng ta, hay với vật nuôi cũng vậy. Việc duy nhất bạn có thể làm ở bên cạnh thú cưng, vỗ về và tạo điều kiện cho chúng ra đi một cách dễ chịu và ấm áp nhất.

Hãy thật linh động và mạnh mẽ, để là chỗ dựa cho người bạn yêu quý của chúng ta trong giờ phút khó khăn này.

—Những điều nên biết—

Khi sắp qua đời, các chức năng trong cơ thể sẽ bị trì trệ. Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy rằng, các giác quan như khứu giác, vị giác, thị giác, thính giác… của thú cưng bị suy giảm đáng kể. Đó cũng là lý do vì sao thú cưng chậm chạp và không thiết tha gì chuyện vui chơi hay ăn uống. Lúc này cơ thể của thú cưng đã gần chạm đến mức giới hạn - dần chuẩn bị cho việc ngừng hoạt động rồi. Khả năng lưu thông của máu cũng không còn được như xưa, nên có thể thú cưng sẽ thấy lạnh, lúc này chúng rất cần một cái ổ ấm áp và một cái chăn để đắp đấy.

Bạn cũng đừng quá lo lắng và ép buộc thú cưng phải ăn uống khi chúng không muốn. Nên nhớ rằng, một khi đã tới giới hạn nào đó thì cho dù bạn có làm gì cũng không thể thay đổi được. Ép buộc thú cưng ăn uống không có nghĩa là sẽ làm chúng khỏe mạnh hơn và có thể níu kéo mạng sống của chúng. Hãy cứ đơn giản chìu theo thú cưng và cho chúng một không khi thoải mái nhất. Tuy nhiên, vì nước rất quan trọng, nên nếu thú cưng không uống nước, bạn có thể dùng một cái khăn ướt và thấm vào miệng chúng duy trì độ ẩm.

Các bước chăm sóc cho thú cưng sắp qua đời:

Bước 1:

Hãy liên lạc với bác sĩ thú y. Dù thế nào, bạn cũng cần sự hướng dẫn từ các chuyên gia để có thể chăm sóc thú cưng một cách phù hợp nhất. Bác sĩ thú y còn có thể kiểm tra, cung cấp cho bạn tình trạng hiện thời của thú cưng và quan trọng nhất là - ước chừng thời gian còn lại của chúng. Việc biết được khoảng thời gian còn lại của thú cưng rất quan trọng vì nó không chỉ giúp bạn chuẩn bị được tâm lý mà còn có thể chuẩn bị được những thứ cần thiết cho thú cưng của bạn.

Bác sĩ thú y còn có thể cung cấp cho bạn những loại thuốc cần thiết để đối phó với những triệu chứng "không mấy dễ chịu" của thú cưng như: tiêu chảy, nôn mửa hay chán ăn… Cần thiết nhất là thuốc giúp thú cưng có thể giảm được đau đớn khi tình trạng cơ thể đã quá suy kiệt như thế này. Và bạn hãy chắc chắn rằng mình đã hiểu rõ cách sử dụng và liều lượng của từng phương thuốc một nhé.

Bước 2:

Hãy quan sát thú cưng để đánh giá được mức độ đau đớn của chúng. Thú cưng không thể nói chuyện, chính vì thế, bạn nên tỉ mỉ theo dõi để biết được chúng có dễ chịu hay không, và khi cơn đau ở mức độ nặng, bạn nên tính đến việc cho thú cưng dùng thuốc giảm đau để giảm bớt mức độ đau đớn.

Bước 3:

Chuẩn bị một chỗ nằm ấm áp và thoải mái cho thú cưng. Vì thú cưng có xu hướng chui rúc và trốn tránh khi sắp qua đời, hãy để thú cưng chọn nơi mà chúng thích nhất, sau đó sắp xếp và dọn dẹp lại chỗ đó cho phù hợp. Như thể bạn tạo ra một thiên đường cho thú cưng trước khi chúng ra đi vậy. Việc giữ cho chỗ nằm của thú cưng ấm áp và mềm mại là rất quan trọng, vì lúc này, thú cưng đã rất yếu ớt, cộng thêm việc di chuyển khó khăn và những cơn đau trầm trọng sẽ khiến chúng cảm thấy rất đau đớn và khó chịu. Thêm vào đó, có một việc chủ nuôi nên nhớ, rằng hầu hết thú cưng sắp chết đều muốn ở một mình, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng muốn cô độc. Hãy an ủi thú cưng bằng cách để vài bông hoa, những món đồ chơi, những loại thức ăn mà chúng thích ở cạnh chúng. Bạn cũng có thể bật một chút nhạc nhẹ nhàng và êm ái để khiến chúng thư giãn hơn. Đừng coi những chuyện này là quá rắc rối hay phức tạp, có tốn bao nhiêu công sức đâu, nếu như nó có thể khiến người bạn yêu quý của bạn được vỗ về vào những giây phút yếu ớt nhất này chứ?

Nếu nhà bạn còn những vật nuôi khác, hãy chắc chắn rằng chúng không đến gần được vật nuôi sắp qua đời vì có thể những con khỏe mạnh sẽ gây rắc rối và tấn công con đang yếu hơn.

Bước 4:

Dù không nên ép buộc thú cưng ăn uống, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn bỏ mặc chúng và không cho chúng ăn gì cả. Ngược lại, bạn nên sắp xếp lịch cho chúng ăn thật đều đặn. Có lẽ lúc này bạn nên cho chúng ăn thức ăn mềm và ẩm, vì chúng dễ nhai nuốt hơn. Bạn cũng có thể cho chúng uống thêm sữa và nếu thú cưng gặp khó khăn trong việc tự mình ăn uống, bạn có thể giúp chúng bằng cách sử dựng xi lanh.

Bước 5:

Nếu thú cưng tỏ ý muốn, bạn vẫn có thể cho chúng thực hiện những hoạt động bình thường mà chúng yêu thích như: đi dạo, đùa nghịch… Chỉ cần chú ý rằng đừng để những hoạt động này khiến chúng quá mệt mỏi và mất sức.

Bước 6:

Trong giây phút sắp từ giã cõi đời, ai cũng trở nên yếu ớt hơn, kể cả về mặt sức khỏe lẫn tinh thần. Thú cưng cũng vậy thôi. Bạn nên dành thời gian ở cạnh thú cưng, nhẹ nhàng vuốt ve, vỗ về và trò chuyện với chúng, cho chúng biết rằng, bạn luôn ở cạnh chúng, rằng mọi chuyện sẽ không sao cả. Thú cưng rất nhạy cảm với cảm xúc của chủ nuôi, nên bạn hãy cố đừng tỏ ra quá đau buồn hay khóc lóc vì chúng sẽ cảm thấy áp lực và không thoải mái. Hãy tiễn bước chúng bằng trái tim yêu thương và nụ cười ấm áp.

Bước 7:

Khi thú cưng có biểu hiện quá đau đớn, thuốc giảm đau là một phương pháp giúp xoa dịu cho chúng. Nhưng nếu đau đến mức có vẻ như chúng không thể chịu đựng nổi, chủ nuôi có thể xem xét đến phương pháp cái chết nhân đạo – giúp chúng có thể ra đi một cách bình yên và nhẹ nhàng hơn. Phương pháp này hiện nay vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi vì nó đi ngược lại quy luật tự nhiên, vì vậy quyết định vẫn nằm ở chủ nuôi là bạn.

Bước 8:

Sau khi thứ cưng qua đời, bạn hãy nén nỗi đau lòng mà lo vấn đề chôn cất cho thú cưng. Thường thì ở nước ngoài, người ta có thể lựa chọn giữa chôn xác và hỏa táng. Tuy nhiên, phương pháp hỏa táng ở Việt Nam vẫn còn xa lạ, vì vậy, chủ nuôi có thể chôn xác thú cưng ở một nơi có nhiều kỷ niệm. Trồng một loài cây hoặc hoa nhỏ trên mộ cũng giúp thể hiện tình cảm và lòng trân trọng của bạn với thú cưng - người bạn trung thành của mình.

Riêng ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh và Hà Nội, chủ nuôi có thể xem xét đến việc lựa chọn dịch vụ hỏa táng cho xác thú nuôi nếu không tìm được nơi chôn cất thích hợp.

Hãy nhớ rằng, thú cưng chỉ có thể sống được một khoảng thời gian ngắn thôi. Bạn có thể nghĩ rằng 10 năm là rất dài, tuy nhiên, thật sự nó sẽ trôi qua trong một cái chớp mắt. Nếu như cuộc sống của bạn còn có gia đình, bạn bè và những điều muôn màu muôn vẻ khác, thì trong cuộc sống của thú cưng chỉ có bạn mà thôi. Hãy dành những điều tốt đẹp nhất cho chúng - như chúng đã luôn toàn tâm toàn ý với bạn vậy, đặc biệt là trong những giây phút cuối cùng của thú cưng nhé. (Trích "10 promises to my dog")

Bạn có thể tìm hiểu thêm về đề tài này qua F.A.Q Cách chăm sóc thú cưng sắp qua đời đã được post trên Thư viện NanaPet nhé!


disclamer Thông báo


Nguồn tham khảo: 

The Pet CheckUp, What to do when your animal companion is dying
The Daily Puppy, How to care for a dying dog
Aspca, End-of-life Care FAQ


Top